1.Tập trung vào chiến lược bán hàng đa kênh
Người mua sắm hiện nay mong đợi trải nghiệm mượt mà, liền mạch trên cả kênh bán lẻ trực tuyến và tại cửa hàng. Các thương hiệu CPG cần có cái nhìn đầy đủ về hành vi của NTD, từ đó hiểu nơi nào cần tập trung, thu hút sự chú ý của họ và gia tăng thị phần. Điều này đặc biệt quan trọng trong năm 2023, khi số lượng lớn NTD quay trở lại cửa hàng truyền thống, một phần nhờ vào việc nới lỏng quy định đeo khẩu trang và khoảng cách xã hội. Có dữ liệu theo dõi sự thay đổi hành vi của NTD đối với thương hiệu và cách nó tác động đến doanh số bán hàng trên các kênh sẽ giúp thương hiệu tạo ra chiến lược thông minh hơn nhằm thu về nhiều tiền hơn từ người mua sắm. Áp dụng chiến lược bán hàng đa kênh (omni channel) có nghĩa là cung cấp trải nghiệm mượt mà cho NTD trực tuyến như thương hiệu nhất quán, sản phẩm dễ dàng tìm kiếm, v.v. — đồng thời cũng không quên tập trung vào trải nghiệm tại cửa hàng truyền thống.
2. Mang đến giá trị cho người tiêu dùng với giá cả và các chương trình khuyến mãi hiệu quả hơn
NTD đang cố gắng tiết kiệm bằng cách tìm kiếm ưu đãi và sản phẩm khuyến mãi, ngay cả từ thương hiệu mà họ thường không mua (bao gồm cả nhãn hiệu riêng). 73% NTD chia sẻ họ sử dụng nhiều chiến lược tiết kiệm chi tiêu, bao gồm dự trữ các mặt hàng được giảm giá, sử dụng phiếu ưu đãi, tìm kiếm cửa hàng có giá thấp hơn và mua sản phẩm mang thương hiệu riêng của cửa hàng. Nhà bán lẻ chiến thắng trong việc giữ chân người mua sắm vào năm 2022 đã sử dụng chiến lược tăng giá trên một số sản phẩm và giữ giá thấp hàng ngày cho sản phẩm thiết yếu. Đồng thời, họ cũng đảm bảo giá các sản phẩm chính tương đương giá bán của những nhà bán lẻ trực tuyến và cửa hàng giảm giá. Đối với nhà sản xuất, sử dụng chiến thuật dành riêng cho từng nhà bán lẻ, đối tác — và giám sát hiệu quả hoạt động bằng công cụ phân tích tự động — sẽ tiến một bước xa trong việc đáp ứng nhu cầu của NTD về giá trị và thúc đẩy doanh số bán hàng trong năm 2023. Tạo ra chiến lược giá và khuyến mãi tập trung hoặc chiến lược giá ở cấp độ toàn cầu, sau đó điều chỉnh theo thị trường địa phương cũng như luôn giám sát hiệu quả là cách các nhà sản xuất giành thắng lợi trên thị trường vào năm qua.
3. Luôn duy trì quy trình sáng tạo liên tục bằng nhiều ý tưởng đổi mới
Hết lần này đến lần khác, nghiên cứu chứng minh đổi mới là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Doanh nghiệp ngưng đổi mới trong thời kỳ khủng hoảng có nguy cơ bị tụt hậu lại phía sau. Điều này dễ dàng xảy ra trong môi trường bán lẻ đầy thách thức với vấn đề nan giải về chuỗi cung ứng. Lúc này, sự đổi mới nhường chỗ cho mối quan tâm cấp bách hơn là đảm bảo sự có mặt của các sản phẩm cốt lõi trên kệ. Nhưng các công ty tiếp tục đổi mới trong thời gian đầy thử thách này lại tăng trưởng, cả về doanh số và thị phần so với những công ty không đổi mới. Một số hoạt động củng cố quy trình đổi mới của doanh nghiệp có thể kể đến như tạo ra sản phẩm đột phá, giới thiệu kích thước đóng gói mới, một tính năng hữu ích mới hay gợi ý cách sử dụng sản phẩm vào một dịp mới. Thích ứng nhanh chóng bằng sự đổi mới để đáp ứng nhu cầu của NTD là điểm mấu chốt của thành công trong năm 2023.
4. Điều chỉnh phân loại sản phẩm phù hợp với hành vi chuyển đổi cửa hàng
Trong năm 2022, nhiều NTD tiếp tục "chuyển đổi cửa hàng", một hành vi hình thành từ sự thay đổi thói quen đi lại sau đại dịch và tìm kiếm chương trình khuyến mãi. NTD mua sắm gần nhà hơn hoặc tìm kiếm giá thấp hơn ở cửa hàng mới sẽ gặp phải sản phẩm và cách trưng bày khác lạ. Vào năm 2022, những thương hiệu am hiểu thị trường đã nhanh chóng tận dụng hành vi mới này như một cơ hội thiết lập lại phân loại sản phẩm. Nhiều người trong nhóm khách hàng “chuyển đổi cửa hàng” đang tích cực tìm kiếm mức giá thấp hơn và sẵn sàng đánh đổi lòng trung thành dành cho thương hiệu để chọn một giải pháp thay thế tốt hơn về giá. Dựa trên sự hiểu biết về hành vi khách hàng thông qua phân tích dữ liệu, nhà bán lẻ có thể đánh giá lại danh mục sản phẩm và loại cửa hàng giúp đáp ứng sự thay đổi này.
5. Đầu tư vào dữ liệu và phân tích tự động như một nguồn tài nguyên mang tính chiến lược
Đối mặt áp lực lạm phát gia tăng vào năm 2022, sở hữu thông tin hữu ích dựa trên phân tích dữ liệu để đưa vào kế hoạch và định hướng năm 2023 ngày càng cấp thiết đối với nhà sản xuất và bán lẻ CPG. Ngày nay, mặc dù hầu hết công ty đang đầu tư vào dữ liệu, rất ít công ty có khả năng biến nó thành kế hoạch hành động cụ thể và đạt được hiệu quả. Thông qua công cụ phân tích dữ liệu phù hợp, nhà sản xuất và bán lẻ CPG sẽ nhanh chóng phân tích được một thị trường đầy biến động và xác định bước tiếp theo giúp đạt lợi thế cạnh tranh. Thương hiệu và nhà bán lẻ thành công sẽ khai thác khả năng phân tích tự động trên nền tảng kỹ thuật số để quan sát hành vi của người mua sắm, hiểu được điều gì đang xảy ra, tại sao nó lại xảy ra, dự đoán những khả năng trong tương lai và đưa ra giải pháp phù hợp.